HLV Arsene Wenger của Arsenal cho rằng, giới bóng đá nên học theo môn Sumo của Nhật Bản: võ sĩ chiến thắng luôn tỏ ra tôn trọng đối thủ và không ăn mừng!
Một là Giáo sư quá cao siêu, đến nỗi chúng ta không thật sự hiểu hết ý tưởng của ông. Hai là, nếu hiểu theo cách thông thường nhất, như bạn và tôi đang hiểu, thì cũng rất khó bình luận. Làm sao có thể tưởng tượng một con người trong bóng đá lại nói ra cái điều cơ bản “phản bóng đá” đến mức độ như vậy!
Thà nói như Jose Mourinho, về cách ăn mừng của các cầu thủ Manchester City, trong phòng thay đồ tại sân Old Trafford cuối tuần qua: “Theo tôi, đấy là vấn đề giáo dục, vấn đề văn hóa. Thế thôi”. Xin được lưu ý: “vấn đề giáo dục” không đồng nghĩa với “thiếu giáo dục”. Qua những gì thường xuyên được thể hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, Người đặc biệt luôn tỏ ra khôn ngoan, tinh ranh, láu cá hơn Giáo sư - cả trong lẫn ngoài phạm vi bóng đá.
Nếu cái tinh thần “tôn trọng đối thủ” kia quan trọng đến mức nên học hỏi, thì quá dễ. Wenger cứ việc chuyển sang môn Sumo (ông có thể bình luận, phân tích, thưởng thức, nếu không muốn huấn luyện hoặc không thể thi đấu).
Chắc chắn một điều: ăn mừng chiến thắng - dù sau trận thắng hay chỉ sau một bàn thắng - là một phần vô cùng quan trọng trong môn bóng đá. Ngay cả những ai từng xem World Cup 1994 cũng chưa chắc nhớ rõ cầu thủ Bebeto của Brazil ghi bàn vào lưới Hà Lan như thế nào. Nhưng người ta sẽ nhớ những gì diễn ra ngay sau đó: vũ điệu “đưa nôi” của Bebeto. Nhớ cả Mazinho và Romario - hai ngôi sao cùng chung vui với Bebeto trong khoảnh khắc tuyệt vời ấy.
Gần đây, Francesco Totti được nhớ đến bởi khoảnh khắc selfie. Ngày xưa, ai cũng biết và nhớ điệu nhảy “lắc mông” của Roger Milla nơi cột cờ góc. Những ví dụ như thế, không sao kể xiết. Còn có cả cách ăn mừng kiểu... chó đái, của Finidi George.
Nên hay không nên - đấy không bao giờ là một vấn đề. Đã có luật bóng đá. Lại có thêm điều lệ giải, phù hợp với đặc điểm từng nơi. Và, trong những trường hợp đặc biệt, người ta thậm chí có quyền vận dụng pháp luật, nếu cần xử lý những hành vi ăn mừng “có vấn đề”. Người thắng, kẻ thua, hoặc người phán xét, cứ theo đó mà ứng xử. Đã gọi bóng đá là trò chơi của những “quý ông”, sao lại còn dạy những “quý ông” phải hành xử thế nào!
Cách đây đã khoảng chục năm, có đoạn quảng cáo thú vị, phổ biến trên màn ảnh truyền hình xứ ta và được đánh giá rất cao. Trong phim là một cậu bé “rập khuôn”, rất giống với những hình ảnh quen thuộc của Wayne Rooney thật. Cũng đầy sức càn lướt, luôn tỏ rõ khát vọng, ghi bàn cháy lưới. Và cũng... phun nước bọt.
Đừng nói, hoặc nhắc, hàng trăm ngôi sao từng lĩnh thẻ vàng vì cởi áo ăn mừng sau khi ghi bàn, về cái luật cấm cởi áo. Đã gọi là luật, đã có hình phạt cụ thể, còn chẳng ăn thua, nữa là rao giảng nên hay không nên, hoặc phải ăn mừng thế nào cho phải phép.
Ngôi sao con cưng của Wenger, Thierry Henry, không bao giờ cười sau khi ghi bàn. Anh bảo, đấy là công việc nhọc nhằn, có gì mà phải vui cười! Không hề vì thế mà người ta thấy cần phải “dạy” Henry, rằng cái ý tưởng lập dị của anh ngẫm kỹ thì quá xúc phạm đồng đội, nhất là người đã kiến tạo cơ hội cho anh ghi bàn.
Mới đây, đội bóng nhỏ Swansea đã không bỏ lỡ cơ hội “ghi điểm” bên ngoài sân cỏ, qua tuyên bố: họ không quan tâm Man City ăn mừng thế nào khi thắng Swansea tại sân Liberty!